Thức uống theo thực dưỡng có nhiều thứ khác nhau, từ nước trong đơn sơ đến các loại trà phức tạp như trà Mu. Đây là những thức uống không pha tẩm hóa chất tổng hợp nhân tạo hoặc chế biến trái tự nhiên, và mỗi thứ có những đặc tính riêng mà ta nên biết để có thể chọn dùng cho phù hợp nhu cầu cơ thể, thời tiết và môi trường sống.
Nếu dùng thường xuyên hàng ngày, ngoài nước trong, còn có trà gạo lứt rang và trà lá già (đặc biệt trà ba năm) là thức uống thích hợp cho mọi người. Thỉnh thoảng có thể dùng thay đổi với các loại trà đậu hoặc trà cây lá cổ truyền. Tuy nhiên, đối với trẻ con dưới 1 tuổi, cho uống nước sôi để nguội là tốt nhất, không nên cho dùng trực tiếp trà cây lá. Chỉ khi trẻ bị bệnh, nếu cần thiết, bà mẹ có thể uống những loại trà đặc trị rồi cho con bú.
Khi làm trà khô, nếu nguyên liệu có dạng lá thì nên phơi trong bóng râm (Âm can), tránh ánh nắng mạnh hủy hoại các chất bổ có trong trà. Nên dùng trả đất hoặc chảo gang để sao (rang) trà, và dùng siêu đất (ấm đất) để nấu hoặc bình đất để hãm trà ; vì dụng cụ bằng kim loại sẽ làm giảm hoặc khử hết hiệu lực của trà. Khi cần, bóp vụn trà bỏ vào bình, chế nước sôi vào, đậy nấp kín để hãm ; hoặc nấu trà với nước lã để sôi riu riu độ 15 – 20 phút cho ra hết chất, rồi chứa vào bình thủy để uống dần. Nên nấu hoặc hãm trà vừa đủ dùng trong ngày, qua hôm sau trà thường bị thiu chua không tốt.
Ngoài trà, bạn nên có sẵn hai loại bột cà phê thực dưỡng (cà phê Ohsawa) và sữa thảo mộc kokkoh để làm thức “uống liền” ngon bổ đãi khách hoặc dùng đỡ đói vào bữa sáng (điểm tâm), bữa lỡ (nửa buổi).
Nước dùng làm thức uống (và nấu ăn) nên lấy từ các nguồn thiên nhiên như mưa, suối, mạch ngầm, giếng, sông giữa dòng, đương nhiên phải tìm nơi thoáng sạch, càng xa bãi rác, chợ búa, khu công nghiệp ..v.v.. càng tốt. Nhưng trong thời buổi môi trường ô nhiễm tràn lan như hiện nay, nên lọc kỹ nước lã trước khi dùng. Cách lọc đơn giản nhất là cho nước thấm qua một lớp cát, một lớp than củi và một lớp sỏi chứa trong một hủ (vại) sành có lỗ thoát ở dưới đáy để nước sạch chảy xuống một chum sành. Lọc độ một tuần hoặc nửa tháng thì thay than và rửa sạch cát sỏi cùng hủ lọc để loại bỏ các chất bẩn bám tụ. Nếu dùng nước máy, nên để vòi nước chảy ri rỉ qua đêm, hoặc mở nước vào cái xô hoặc chum, thùng để thoáng nhiều giờ cho những hóa chất khử bẩn hòa tan trong nước bay hơi bớt ; đem lọc càng tốt.
Dù sao, để bảo đảm an toàn vệ sinh, nên nấu chín nước uống và dùng nóng (ấm bằng thân nhiệt). Tránh dùng nước đá chừng nào tốt chừng đó. Thỉnh thoảng lúc trời nóng bức hoặc người bị nhiệt, bạn có thể dùng một ít nước trái cây vắt, ép hoặc xay, nhưng nêm chút muối tốt hơn pha đường. Cũng có thể thay một phần nước uống bằng canh, xúp hoặc nước luộc rau củ.
Thức uống :
- Trà gạo lứt
- Trà ba năm
- Trà đậu đỏ
- Trà đậu đen
- Trà đậu ván
- Trà vối
- Trà tim sen
- Trà củ sen
- Trà râu bắp
- Trà vỏ ấu
- Trà ngải cứu
- Trà bồ công anh
- Trà tương
- Trà tương mai
- Trà trinh nữ
- Trà rau má
- Trà Mu
- Trà ô mai
- Trà sắn dây
- Nước sắn mai
- Cà phê thực dưỡng
- Cà phê bồ công anh, cà phê ngưu bàng
- Sữa thảo mộc kokkoh
Nguồn :
● Sách : Nghệ thuật nấu ăn vui khỏe theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa Macrobiotics
● Tác giả : Lima Ohsawa – Diệu Hạnh
● Nhà xuất bản : Thời Đại
You must log in to post a comment.