Có một truyện cổ tích Ấn Độ làm cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Đại khái truyện đó như sau :
Một người nọ một hôm gặp một con rắn lớn vô cùng muốn tấn công mình. Trước nguy cơ đó, do bản năng tự vệ, anh ta chiến đấu với con quái vật, nhưng không thắng nổi nó, đâm đầu chạy. Con rắn đuổi kịp, anh ta phải quay lại chiến đấu với nó. Rồi lại chạy. Cứ đánh rồi chạy, chạy rồi đánh, như vậy mấy lần, không được nghỉ một phút, phải dốc hết toàn lực mà chẳng làm được gì khác nữa.
Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của phần đầu đó trước khi đi qua phần nhì của câu truyện. Con rắn đó tượng trưng cho số phận. Ai cũng có số phận. Tiếng này chỉ một tổng hợp các khả năng thiên phú, tài đức luyện được, các ảnh hưởng của di truyền, đất đai, xã hội … các bổn phận, thị dục, ưu tư, đau khổ, hoan lạc, bệnh tật, liên hệ gia đình, xã hội, hy vọng, thất vọng và các năng lực bí mật tốt hoặc xấu tác động tới con người. Ta phải nhận cái số phận đó, không sao tránh nó được. Nhiều người thấy nó đè nặng trên vai quá, ghét nó, tởm nó, muốn trút bỏ nó đi bằng cách này hay cách khác. Một cách thông thường nhất là trốn nó, chẳng hạn trốn vào bệnh tật, tin rằng như vậy là trút được trách nhiệm : “Tôi bệnh tật rề rề, suy yếu quá ! Tôi xin rút ra khỏi cuộc chiến đấu, xin bà con thương tôi với, săn sóc cho tôi, tội nghiệp !”. Truyện cổ tích trên kia cho ta thấy rằng trốn như vậy vô ích : Con rắn sẽ đuổi kịp ta, rồi ta lại lâm nguy, lại phải chiến đấu như lúc đầu mà vẫn không sao thắng nổi nó được.
Hiển nhiên là thái độ chạy trốn đó hỏng. Vậy thì phải làm sao bây giờ ? Truyện cổ tích cho ta biết tiếp :
Một hôm một nhà hiền triết thấy anh ta loay hoay mà không thoát được cảnh đó, bảo : “Đừng chạy trốn nữa mà cũng đừng chiến đấu nữa”. Anh ta đáp : “Nó sẽ nuốt tôi mất còn gì !”. Nhà hiền triết nói : “Nghe lời tôi khuyên dạy sẽ được yên ổn. Lại gần con rắn, đi, nằm dài bên cạnh nó, uốn mình theo những khúc cong của nó thì sẽ thoát, nó sẽ không tấn công anh nữa đâu”. Anh ta theo lời khuyên và quả nhiên được yên ổn.
Như vậy là nghĩa làm sao ? Phải bỏ ý làm chủ số phận của mình ư ? Cứ khoanh tay mà an phận chăng ? Không phải vậy. “Nằm dài bên cạnh con rắn” có nghĩa là : Hòa giải với nó, tin nó, coi nó như bạn đồng hành, chấp nhận nó như một sự tất yếu, nhưng là một sự tất yếu hợp ý ta, hoàn toàn do ta định. Tóm lại “nằm dài bên cạnh con rắn” tức là chấp nhận số phận. Vì ta chỉ có hai thái độ đối với “số phận” : Chấp nhận hay phủ nhận. Phủ nhận là thái độ hão huyền, vì không phải hễ từ chối “số phận” của mình là sẽ nhận được một số phận khác. Người nào ngày ngày đều than thân trách phận thì sẽ thấy “số phận” không khác con rắn nó muốn nuốt mình. Nhưng người nào bình tĩnh chấp nhận “số phận” không phải chấp nhận một lần mà đủ, phải chấp nhận mỗi ngày, thì sẽ thấy rằng “số phận” có khổ sở tới mực nào (bị một chứng nan y hay lỡ vướng vào một cuộc hôn nhân tai hại) cũng sẽ lần lần bớt khắt khe đi. Ta tự thích ứng với “số phận” thì “số phận” sẽ tự thích ứng với ta.
Người ta bảo : Chính tính tình, thái độ của ta quyết định “số phận” cho ta. Tại bản ngã của ta như vậy cho nên ngoại giới mới tác động tới ta như vậy. Bản ngã của ta tìm gọi cái “số phận” của ta, cái “số phận” hoàn toàn thích hợp với ta – điều đó có khi phải đợi đến lúc ta gần từ biệt cõi đời, ôn lại con đường đời đã qua rồi mới nhận định ra được. Một truyện cổ tích nọ kể rằng một người xin đổi cái “thập tự giá” (tức cái cảnh khổ, cái số phận) người đó phải vác. Người ta dắt anh ta vô một phòng dựng đầy những thập tự giá lớn nhỏ, nặng nhẹ đủ cỡ. Anh ta lựa một lát rồi la lên : “Cho tôi cây này”, thì chính là cây anh ta đã chê mà đòi đổi.
Trong số bạn thân của tôi có một cặp vợ chồng nọ hoàn toàn sung sướng cho tới khi sinh đứa con thứ ba. Em gái này trí tuệ trì độn, bị chứng giật gân, động kinh, nguyên do tại óc, nói không được mà đi cũng không được. Thực là não lòng cho cha mẹ. Mới đầu hai ông bà còn cố bám lấy cái hy vọng trị được bệnh cho con, chẳng hết hẳn thì cũng đỡ được ít nhiều. Sau ba năm, hy vọng tiêu tan và họ như ngã quỵ xuống, chịu không nổi, sống cô độc, không giao thiệp với ai hết.
Một năm sau nữa, tôi nhận được một bức thư : “Chúng tôi mới trải qua một kinh nghiệm kỳ thú là sao : Cái họa của chúng tôi đã thành cái phước chị ạ. Phải gặp cái cảnh bi thảm đó, vợ chồng tôi mới thực là đoàn kết chặt chẽ với nhau; đứa cháu tội nghiệp đã thành trung tâm của cuộc đời chúng tôi, bảo vật của chúng tôi, hạnh phúc của chúng tôi. Chính vợ chồng tôi cũng khó mà hiểu nổi rằng cái họa đó lại đồng thời là cái phước cho chúng tôi … Chúng tôi nói vậy không phải tự an ủi hoặc lừa dối người khác về cảnh bi thảm của chúng tôi đâu, không, chúng tôi quả là sung sướng”.
Hạnh phúc của cặp vợ chồng đó ở đâu vậy ? Chính ở chỗ họ đã có thể vui vẻ chấp nhận chiếc thập tự giá nặng nề của họ.
Tôi có thể kể cho bạn nghe một bi kịch nữa mà chính tôi đã chứng kiến trong hai năm nay. Kép hát nổi danh Ernst Ginsberg hồi sáu chục tuổi bị một chứng tê liệt kỳ dị, mới đầu bệnh tăng lên chậm chậm rồi mỗi ngày mỗi mau. Lần đầu tiên ông kể bệnh cho tôi nghe (lúc đó bệnh mới hơi hiện ra, ông còn có hy vọng trị hết được), ông có vẻ đau khổ lắm. Vài tháng sau, khi ông biết rằng tuyệt vọng rồi, và từ nay bắt đầu một quãng đời đầy những đau khổ về thể chất, thì lần lần niềm vui của ông tăng lên. Và sau cùng khi ông đau đớn ghê gớm, không nói được nữa, thì ông cảm được một niềm hân hoan bí mật. Tất cả những người lại gần ông hồi đó đều nhận thấy vậy. Người nào từ biệt ông ra về, lòng cũng hoang mang nhưng phấn khởi lạ lùng. Bí quyết hân hoan của ông ở đâu ? Ở chỗ hoàn toàn chấp nhận số phận vốn ghê gớm đó. Bây giờ ông đã từ trần, nhưng đã để lại cho chúng ta bài học rằng không có chiếc thập tự giá nào mà ta không vác nổi với điều kiện (mà điều kiện này tất yếu) là phải nhận nó như một vật sở hữu của ta, hoàn toàn thích hợp với ta, tới nỗi nó với ta chỉ là một.
Vậy không phải chỉ là một thái độ lợi dụng nó triệt để hoặc thái độ “mỉa cười nhận nó”, hoặc chán nản an phận. Cũng hơn cả thái độ hùng tâm nhận cái gì không tránh được. Vì mấy thái độ mới kể chỉ là tự nhận mình phải thua “số phận”. Mà nhà hiền triết Ấn Độ trong truyện con rắn đâu có ý khuyên ta như vậy, ông muốn dạy ta rằng : Phải hiểu ý nghĩa của “số phận” của mình, mà muốn hiểu nó thì phải chấp nhận nó. Khi chấp nhận nó rồi, thì nó với mình là một, mà mình đã đồng hóa với nó như vậy thì mình sẽ làm chủ nó chứ không bị nó chi phối nữa.
Luise Rinser | Nguyễn Hiến Lê (dịch) |
You must log in to post a comment.