Hai mùa xuân qua, kể từ ngày chúng tôi cùng ông Nguyễn Bạch ăn bánh cuốn Thanh Trì trong một nhà hàng Việt Nam ở San Francisco bang California bên Tây Thái Bình Dương, mà tôi không sao quên được cảm giác nhớ nhà, nhớ nước khi nhâm nha lá bánh cuốn nguội lạnh, không hơi nóng, hương thơm. Lại thêm cái chuyện nước Mỹ hôm nay không còn bình yên như những ngày tôi được tới thăm, làm tôi càng tha thiết nhớ những người bạn Việt Nam thân yêu của tôi đang sống nơi chân trời góc bể với nhiều trắc ẩn, lo âu rình rập bất ngờ … Trong phút giây thiêng của giao thừa Nhâm Ngọ này, tôi muốn gửi tới bạn bè Việt Nam bên Mỹ một góc phố nhỏ Hà Nội bình an với hương thơm, vị ấm mát lành của bánh cuốn Thanh Trì, một thứ quà dân dã của Hà Nội, mà người Việt Nam dù đi cùng trời cuối đất vẫn chẳng thể quên.
Bánh cuốn Thanh Trì, thứ quà Hà Nội mà ông Nguyễn Bạch rất mê. Một năm vài lần, ông cùng vợ bay từ San Francisco tới nhà vợ chồng người bạn thân là anh Kiệt, chị Vân ở Los Angeles, cùng nhau làm bánh cuốn Thanh Trì. Đôi cặp vợ chồng tri âm từ Sài Gòn xô dạt tới bờ Tây Thái Bình Dương, vừa ăn bánh cuốn Thanh Trì, vừa nhớ về Hà Nội thân thương. Ông Bạch quê ở thành cổ Sơn Tây, thuở nhỏ học hành sinh sống tại Hà Nội. Đã xa Hà Nội gần một kiếp người, nhưng ông không lúc nào nguôi nỗi nhớ Hà Nội với hương thơm gạo tám của bánh cuốn Thanh Trì chấm với nước mắm cà cuống, thơm da, thơm diết cái vị cay cay, mằn mặn, cất tinh từ cánh đồng lúa nước, ngọn nguồn của sự sống Việt Nam. Ông hỏi tôi : “Con cà cuống có còn không ?”. Tôi lắc đầu. Tôi chỉ trông thấy nó một vài lần từ khi còn bé xíu. Bây giờ tôi vẫn không hiểu nó chắt lọc được cái gì từ mảnh ruộng lúa nước ngập bùn mà thành hương thơm và vị cay cà cuống lạ lùng đến thế ? Dù chỉ một lần được thưởng thức hương vị cà cuống, bạn sẽ suốt đời không quên, nhưng tả nó như thế nào thật khó.
Với ông Bạch, thời gian biến tan, không gian xóa nhòa, chỉ có hương vị của các món ăn Việt Nam mới thôi thúc ông nhớ về nguồn cội. Ông muốn thốt lên : “Cà cuống ơi! Hương thơm gạo tám ơi! Hương cay vị đắng của đồng quê ơi! Có mãnh lực gì giày vò lòng ta đau đớn đến tận cùng như vậy ?”.
Trước năm 1945, ông Bạch rời Hà Nội vào Sài Gòn, rồi cơn binh biến đẩy đưa, ông cùng vợ và hai con trai sang Mỹ, có ngôi nhà nhỏ bên vùng Vịnh San Francisco, núi non, biển trời thơ mộng, cỏ cây hoa lá tươi màu, mà lòng ông luôn khắc khoải … Với vốn tiếng Việt và tiếng Anh sành điệu, ông mở công ty phiên dịch vừa là ông chủ vừa là nhân viên. Ông thường được mời đi dịch cho người Việt tại các phiên tòa.
Hôm chúng tôi tới thăm nhà ông, ngắm giá sách của ông, thấy có một chiếc xích lô bé xíu bán trên phố Hàng Khay – Hà Nội, được ông mang về nâng niu hôm sớm. Những ngày làm việc cùng chúng tôi, tối nào ông Bạch cũng lái xe đi vòng các phố tìm ăn cơm Việt Nam. Ông bảo : “Nếu ngày nào không có cơm Việt Nam, tôi quên tiếng Anh”. Sống nơi đất khách quê người đã mấy chục năm rồi mà ông không quen được với thức ăn của người ta, thật là cực khổ. Cũng may mà cộng đồng Việt Nam sang Mỹ đều giống ông, không thể nào quên được những món ăn Việt Nam, nên họ đã trồng tất cả mọi thứ rau, hoa quả, chuyên chở, buôn bán thức ăn Việt Nam, làm thành một xã hội, một nền văn hóa ẩm thực Việt Nam : phở Hà Nội, cơm Việt Nam, bánh cuốn Thanh Trì … hiện diện kiêu hãnh trên đất Mỹ.
Trong siêu thị bán đồ ăn Việt Nam, có đủ các thứ tương cà, mắm muối, ớt, mồng tơi, rau muống, gừng, hành tỏi, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, hạt tiêu … đủ “trăm thứ bà rằn” như các quầy hàng khô ở Hà Nội. Cũng đủ vị đắng hương thơm, đủ mùi chua ngọt, tinh tế và chi tiết đến bất ngờ … Trong một quận người Việt sinh sống tại Los Angeles có quán xôi chè Việt Nam nổi tiếng của ba chàng kỹ sư, rủ nhau về nấu chè bán cho người Việt. Cửa hàng đông tấp nập, các chị, các bà xếp hàng mua : chè sen, chè đậu, chè lam, chè cốm, chè nhài, chè thập cẩm … Lúc nào trên gương mặt họ cũng sáng lên nụ cười khi nhìn thấy chè, được ăn chè, xếp hàng mua chè. Riêng có bánh cuốn Thanh Trì là một thứ đặc sản hiếm thấy. Qua mấy mươi bang ở nước Mỹ đến San Francisco, chúng tôi mới thấy hiệu “Bánh cuốn Thanh Trì” treo biển to tướng, sang trọng, do cặp vợ chồng trẻ ở Hà Nội sang mở hàng. Hầu như chỉ có người Việt Nam thích đến ăn bánh cuốn Thanh Trì. Họ vừa ăn vừa trò chuyện, gắn bó, thăm hỏi nhau và thẳm sâu trong lòng không khỏi nao nao nhớ quê nhà, nhớ Hà Nội bốn mùa xanh tươi. Nhưng ăn bánh cuốn Thanh Trì tại San Francisco bạn làm sao có được cảm giác thanh bình, tĩnh lặng như khi ta ngồi dưới gốc cây bàng già ở một góc phố nhỏ Hà Nội dịu dàng đến ngưng đọng mà nghỉ ngơi, thư thái, nhâm nha một thoảng thơm bốc nóng từ đĩa bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang bày trên các mẹt nan tre mỏng manh. Người Việt dù bận mải làm ăn đến quay cuồng chóng mặt, dù tham vọng chức lớn, quan to, tiền nhiều, nhà rộng … thì vẫn cứ cần một phút giây ngưng nghỉ dân dã ấy. Chẳng thế mà bánh cuốn Thanh Trì – Hà Nội vẫn hấp dẫn người Việt đời nọ nối đời kia.
Một sớm, nắng vàng tràn về bên hàng sấu già trên phố cổ Hà thành, tôi thả bộ thong dong đi qua Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Trần Nhân Tông, Tuệ Tĩnh, đến tìm cụ già bánh bánh cuốn Thanh Trì gần thế kỷ nay trên góc phố Tô Hiến Thành, mong gửi chút hương thầm, vị mát thảo thơm của bánh cuốn Thanh Trì cho người xa xứ dịp xuân sang.
Đó là một con phố ngắn nằm giữa phố Huế và Bà Triệu, đến đầu phố hỏi hàng bánh cuốn là cả phố đều biết. Cụ Lý Thị Hồng, trên bảy mươi tuổi, tóc vẫn đen, tai vẫn thính, gương mặt đỏ hồng bên nồi bánh tráng bánh cuốn bốc hơi nghi ngút, vừa nhai trầu bỏm bẻm, cụ vừa trò chuyện với khách, tay thoăn thoắt gỡ từng lá bánh cuốn mỏng trắng trong :
– Mời ông xơi bánh cuốn đi. Hôm nay ông không mua bánh cuốn về cho bà à ?
Nhà hàng của cụ chỉ là một gian nhà hẹp, nép giữa hai cửa hàng buôn bán sang trọng. Khách ăn là nam thanh, nữ tú, ông già, bà lão, gia đình, vợ chồng con cái, người yêu, bè bạn … hơn sáu mươi năm nay vẫn tụ về đây quanh nồi bánh cuốn của cụ Hồng. Họ ngồi trên ghế đẩu, xúm xít, túm năm tụm ba vào cái mẹt tròn mỏng, người ta thích ngồi ngoài vỉa hè, dưới bóng cây bàng, cây si già, vừa ăn vừa thì thầm đủ chuyện. Tôi kéo ghế đẩu, xin một cái mẹt kê ghế ngồi cạnh cụ Hồng. Cụ cuốn bánh vào đĩa cho tôi, từng chiếc mỏng manh, mềm mại thơm mùi gạo, mùi hành khô phi mỡ. Đưa thêm cho tôi bát nước mắm pha chế đậm đà, ngon ngọt, cụ dặn : “Ớt đấy, nếu thích thì cô tự cho vào”. Tôi vừa nếm những miếng bánh cuốn mỏng mềm mại vừa hỏi chuyện làm bánh cuốn, cụ Hồng nói :
– Nhà tôi ở xóm đình Thanh Trì, sáu đời làm bánh cuốn mang lên phố bán. Năm mười ba tuổi tôi đã tráng được bánh và đi bán cùng mẹ tại khu vườn hoa Pasteur. Mười bốn tuổi thì chuyển sang bán tại 66 – Tô Hiến Thành cho đến bây giờ. Kiếm sống bằng cái nghề này vất vả, thức khuya, dậy sớm, lời lãi chẳng có là bao, nhưng nó là nghề cha ông truyền lại, mình làm quen, sinh sống được mà cũng vui. Một tháng có ba mươi ngày thì cả ba mốt ngày tôi đi bán bánh cuốn, ngày nắng cũng như ngày mưa, thời Pháp cũng như thời ta, thời bom đạn cũng như thời bình, chẳng ai chê bánh cuốn của tôi. Bánh của mình ngon, thơm lại rẻ tiền, chỉ dăm vài nghìn lẻ là ấm cái bụng, bạn bè có đãi nhau cũng không tốn kém khó khăn gì. Người già, phụ nữ, trẻ em, người ốm yếu, khi xót ruột đói lòng, có đĩa bánh cuốn ăn mát ruột lắm. Gạo ngon thì bánh ngon. Tôi chọn gạo tám thơm ngâm hai tiếng, xay bột mượt, hòa nước vừa phải, bánh tráng mới ngon, bột đặc thì bánh khô, bột loãng thì bánh ướt hoặc không tráng nổi. Tráng bánh phải luôn tay luôn chân, không lúc nào nghỉ, nhanh chậm một tý là bánh nát. Ngày xưa khách thích ăn bánh cuốn thịt, bây giờ không ai thích ăn thịt nữa, có người thích ăn chả kèm, có bà, có cô thích ăn bánh tráng chay, nó mát, nhiều chất gạo, dẻo mềm dễ chịu. Ngày xưa có gạo tám đen, hạt nhỏ thơm nưng nức, xay bột làm bánh cuốn dẻo dai, chấm với nước mắm cà cuống thì không gì thơm ngon bằng. Bánh cuốn Thanh Trì, đặc biệt ở mùi hành khô phi mỡ. Khoảng năm giờ chiều, cô về Thanh Trì, đến điếm canh đê đã thấy mùi hành phi thơm nức cả làng.
Tôi nhâm nha lá bánh cuốn dai giòn, thơm mùi hành khô phi mỡ, mùi gạo của đồng, mùi mắm mặn của biển, như cảm nhận được sự sống bình an của người dân lao động hiền lành mà cụ Hồng đã truyền qua từng lá bánh cuốn mỏng manh. Bây giờ tôi mới hiểu, bánh cuốn Thanh Trì được tinh cất từ hạt gạo trắng trong, thơm mát, ngọt lành như dòng sữa mẹ Việt Nam đời này qua đời khác nuôi ta khôn lớn thành người. Vì thế nên dù có phải rời xa, dù có ăn cao lương, mỹ vị bơ sữa nước ngoài thì dân Việt cũng không bao giờ quên gạo nên đau đáu nhớ bánh cuốn Thanh Trì.
You must log in to post a comment.