Đám ma và đám tang không phải là hai danh ngữ đối lập với nhau về mặt phương ngữ (trong Nam, ngoài Bắc) mà là về mặt phong cách ngôn ngữ. Nói một cách khác, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đều có dùng hai cách nói đám ma và đám tang. Hai cách nói này khác nhau ở chỗ đám ma thuộc phong cách ngôn ngữ tự nhiên, thường gọi là khẩu ngữ, còn đám tang thuộc phong cách ngôn ngữ trau chuốt, mà một số tác giả gọi là ngôn ngữ văn hóa.
Sự khác nhau trên đây bắt nguồn từ thực tế xã hội mà hai danh ngữ đang xét phản ánh. Với đám ma thì trung tâm là “nhân vật người chết”, biết rằng ngoài cái nghĩa “sự hiện hình của người chết”, ma còn có nghĩa là “người đã chết” nữa. Ta có thể suy đoán rằng lối nói này xuất phát từ những người thuộc các tầng lớp dưới của xã hội. Chuyện người chết phải bó chiếu mà chôn vì không có quan tài không phải là chuyện hiếm thấy ngày xưa, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Trong điều kiện như vậy, việc đưa đám đối với họ thực chất chỉ là việc đưa ma, nghĩa là đưa xác người chết ra huyệt mà thôi. Đó là đám ma.
Đám tang thì khác. Đây là chuyện của các tầng lớp hữu sản. Có quan tài, có khâm liệm, có thành phục (phát tang), có để tang để chế, có bàn Phật, bàn vong, có tụng niệm, có phúng viếng ..v.v.. Tóm lại là có đầy đủ nghi thức. Chính những nghi thức này làm cho đám tang có tính chất trang trọng trong khi đám ma thì lại đơn sơ.
Chính vì sự cách biệt này mà trong tiếng Việt hiện đại, tuy là hai đơn vị đồng nghĩa nhưng đám ma chỉ được dùng trong khẩu ngữ còn đám tang được dùng trong ngôn ngữ văn hóa.
An Chi |
You must log in to post a comment.