Home Blog Page 6

Bóng Người Trên Sương Mù

Ở ngoài, đêm tối như mực. Trong toa hạng nhì, riêng tôi ngồi đối diện với Trạch- một người bạn cũ, tình cờ gặp vì đi cùng trong một chuyến xe. Mười năm trước, bạn tôi còn là một người cầm lái xe lửa, cũng hàn vi như tôi; bây giờ gặp lại nhau trong toa hạng nhì, hai người cùng ngạc nhiên và cùng mừng cho nhau.

Lúc nói chuyện, tôi thấy bên bạn có cái hộp khảm rất đẹp liền cầm lấy xem, rồi tình cờ mở hộp ra; bạn tôi có ý không bằng lòng nhưng vì nể tôi nên không nói gì. Tôi nhìn vào hộp thấy lạ: hộp bịt kín, ở trong có một con bướm rất to, hai cánh đã xơ xác. Tôi hỏi bạn:

– Con bướm này vùng tôi thường thấy luôn, quý gì mà anh giữ cẩn thận thế này?
– Vâng, bướm thường, nói cho đúng thì là một con ngài, nhưng đối với tôi… Vừa nói đến đấy, xe rầm rập đi qua một cái cầu sắt. Bạn tôi lắng tai nghe rồi nói:
– Xe đi qua cầu N.G. Tôi bắt con bướm chính ở giữa cái cầu này đã mười năm nay…

Thấy bạn có vẻ khác, tôi đoán có chuyện gì, liền hỏi:

– Con bướm này chắc cũng có sự tích gì đây?
– Vâng, những sự tích buồn… Chuyện đã ngoài mười năm trước độ anh đi Sài Gòn thì tôi còn là anh cầm lái tàu hoả. Chính độ ấy tôi chạy con đường này, tình cảm tôi độ ấy anh đã rõ.
– Cũng như tình cảnh tôi…
– Nhưng có một việc tôi không nói cho anh hay là độ ấy tôi có lấy một người vợ, nhưng giấu nhà, giấu mọi người, giấu anh. Chúng tôi sống trong cảnh nghèo khổ mà thật lấy làm sung sướng. Nhưng vì cảnh nghèo, vì nhà tôi không quen chịu được kham khổ nên người mỗi ngày một yếu dần.

Về sau, nhà tôi bị bệnh nặng mà tôi thì vẫn phải đi làm, không ai trông nom ở nhà. Một đêm nhà tôi yếu quá ngất người mấy lần, mà chính đêm ấy là đêm tôi được ông Chánh cử đi cầm lái chuyến xe riêng chở quan an toàn quyền. Thật là một dịp rất hay cho tôi. Nhưng tôi biết không thể nào đi được, liền thưa với ông Chánh, nói là vợ ốm. Ông Chánh đập bàn, đập ghế, gắt:

– Tôi không biết! Một là mười giờ đêm nay anh phải có mặt ở ga, hai là từ giờ này trở đi anh đừng bước chân tới đây nữa. Thôi anh ra.

Lời ông Chánh nói quả quyết, tôi phân vân không biết nghĩ sao: lúc về nhà, ngồi ở đầu giường, nhìn đến vợ mới biết rằng không đi được, dẫu mất việc làm cũng không cần.

Nhà tôi thấy tôi có vẻ lo nghĩ, hỏi duyên cớ vì sao, tôi liền đem việc ấy ra kể cho nhà tôi nghe. Nhà tôi nghe xong, vẻ mặt tươi hẳn lên, bảo tôi rằng:

– Thế cậu đi chứ! Việc gì phải ngần ngừ! Tôi không việc gì đâu, đã thấy đơc nhiều. Chiều mai về nhớ mua cái gì làm quà cho tôi đấy.

Tôi thấy nhà tôi cười vui vẻ, tôi vững tâm, thay quần áo ra ga. Ðến ga đúng mười giờ. Nhưng khi cho xe chạy rồi tôi mới thấy lo, tôi mới biết là tôi liều. Lúc đó tôi có cảm giác lạ lắm: hình như tôi đi thế này, lúc về chắc không nhìn thấy mặt vợ nữa. Tôi cố định trí để cầm lái nhưng chỉ được một lúc thôi.

Bỗng cả chuyến xe lửa nghiêng về một bên, rồi lắc lư như muốn đổ. Người “ét” của tôi vội bỏ cái xẻng xúc than, níu lấy tôi, nói:

– Ô hay! Hôm nay ông làm sao sao thé? Chỗ ấy đường cong nguy hiểm thế mà ông không hãm máy. Ông ngủ à?

Tôi không ngủ nhưng người tuy ở đây mà trí còn nghĩ tới người vợ nằm đợi chết một thân, một mình trong gian nhà nhỏ kia. Mắt tôi hoa lên, mồ hôi ướt đẫm cả người.

Xe đi vào khe núi, hết lên cao lại xuống thấo như có vẻ nhọc nhằn. Tôi thò đầu ra cửa nhìn thẳng trước mặt, nhưng đêm ấy, sương mù đầy trời, không nhìn rõ gì cả, chỉ một màu trắng xoá dưới ánh hai cái đèn ở đầu toa. Bỗng tôi thấy … rõ ràng, tôi thấy in trên sương mù một cái hình người đàn bà mặc áo rộng đứng dang tay. Tôi dụi mắt tưởng mình trông hoảng, nhưng không, hình người đàn bà vẫn đấy. Tôi gọi người “ét” lại cửa toa, bảo ông ta nhìn rồi hỏi:

– Bác có thấy gì không?

Vừa nói xong, hình người vụt biến mất. Bác “ét” thò đầu ra và bảo tôi:

– Chỉ thấy sương mù! Ông lại mê ngủ rồi – Không, rõ ràng tôi thấy có hình người đàn bà in trên sa mù nhưng vừa biến mất.

Người “ét” cười ra vẻ không tin, lấy xẻng xúc thanh cho vào lò, còn tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ đăm đăm nhìn thẳng trước mặt. Ðược một lát, hình người đàn bà hiện ra, lần này rõ ràng hơn, hai tay vẫn dang thẳng như muốn ngăn đường, không cho xe chạy lên nữa.

Tôi gọi người “ét” nhưng bác ta làm bộ không nghe thấy, cứ cắm đầu xúc than cho vào lò. Tôi biết tôi không mê, tôi biết là cái hình người ấy có thật. mà ai nhìn cũng phải thấy. Tôi đến cầm tay bác “ét” kéo bác ra xem rồi bảo, quả quyết:

– Nhìn xem.!

Bác ta há hốc mồm giương to đôi mắt hốt hoảng nói:

– Lạ thật!… Ma ông ạ!

Xe tiến đến đâu, cái hình bóng người lui đến đấy, có lúc mờ, có lúc rõ, lơ lửng giữa lưng chừng trời.

Rồi cái hình người ấy vẫy hai tay một cách thong thả, như có ý bảo chúng tôi đừng tiến lên nữa, có sự nguy hiểm.

Tôi bảo bác “ét”:

– Bác này, lại có sự gì lại sắp xảy ra.
– Vâng, sao cái hình lại như lấy tay làm hiệu bảo ta đứng lại.

Cái hình người trước còn vẫy tay thong thả, sau vẫy thật nhanh như người tỏ ra ý thất vọng vì bảo chúng tôi không nghe.

-Hay ta dừng xe lại xem sao, chắc là ma!
– Không được, tự nhiên vô cớ.

Còn tôi lúc bấy giờ tai ù như người mất trí khôn, tôi văng vẳng như có tiếng người ở thật xa đưa lại, tiếng một người đàn bà bảo tôi:

– Ðỗ lại! Ðỗ lại!

Tôi lắng tai, tay nắm chặt lấy cái phanh như định hãm lại rồi lại không dám hãm.

Một lát sau, tôi lại nghe thấy tiếng người đàn bà, rõ hơn lần trước, giục tôi:

-Hãm lại! Hãm ngay lại!

Lúc bấy giờ tôi không biết nữa, nhắm mắt hãm phanh thật mạnh. Các toa rùng một cái, bánh xe kêu rít lên trong đêm thanh vắng, xe chạy từ từ một quãng rồi đỗ hẳn. Tôi chưa kịp bước xuống, đã thấy người “xếp tanh” cầm đèn chạy lên hỏi:

– Việc gì thế?

Tôi luống cuống không biết trả lời làm sao, vì nói thật ai tin mình. Tôi trả lời một cách mập mờ:

– Chắc có sự gì lạ. Ðể tôi cầm đèn đi xem trước đã.

Lúc bấy giờ mấy ông hầu quan Toàn quyền cũng vừa đến, rồi thấy lạ, đi theo chúng tôi. Vừa đi được một quãng thì nghe có tiếng nước chảy ầm ầm. Tôi định tâm mới nhớ ra rằng đó là cầu N.G Mấy đêm ấy mưa lũ, nước chắc chảy xiết, nên mới réo to như vậy. Ðến bờ sông, giơ đèn lên soi, mấy người đều kinh hoảng: cái cầu N.G bị nước nguồn chảy về xoáy gãy làm đôi.

Một tý nữa, nếu không hãm kịp thì cả một chuyến xe riêng chở Toàn quyền đâm nhào xuông sông sâu, chắc không sống sót một ai: tưởng không có cái tai nạn nào ghê gớm hơn, thế mà chính nhờ tôi, nên mới không có cái tai nạn ấy. Tôi đứng ngẩn người không hiểu ra sao cả.

Người “xếp tanh” mừng cuống quít hỏi tôi:

– Sao ông biết mà hãm?
– Tôi cũng không hiểu.

Mấy người quan hầu có vẻ mừng lộ ra mặt, xúm xít quanh tôi hỏi dồn, tôi không biết trả lời ra sao, một lát mọi người đứng dãn ra. Quan Toàn quyền đến: ngài không nề tôi là người lao động, trong lúc mừng quá, ngài giơ tay bắt tay tôi, cái bắt tay đầu bụi than rồi ngài tỏ lời khen.

Tôi chắc rồi sau thế nào cũng được trọng thưởng, nhưng trọng thưởng lúc đó đối với toi cũng như không, tôi chỉ nghĩ đến nhà tôi ở nhà, không biết ra sao. Tôi đi trở lại và thoáng thấy con gì bám ở cái đèn để ở đầu toa, nhìn kỹ thì ra một con bướm thật to, vướng vào đèn đương đập cánh để tìm đường thoát. Chính là con bướm trong cái hộp này đây.

Trông thấy con bướm, tôi thốt nghĩ ra ngay. Chính phải rồi, chính cái hình người đàn bà lúc này là cái bóng con bướm này in lên trên sương mù, đầu con bướm là đầu hình người mà hai cánh con bướm đập là hai cánh tay người vẫy.

Tôi bắt con bướm rồi định thả nó bay đi; sau nghĩ con bướm đã giúp mình được việc, nên giữ lại làm kỷ niệm. Tôi nhìn vào đồng hồ trong toa, thấy kim chỉ đúng hai giờ đêm…

Hôm sau tôi vừa về đến cổng nhà thì thằng nhỉ chạy ra báo tin nhà tôi mất, mất vào khoảng một giờ đêm qua.

Tôi không tin nhảm, tôi chắc đó là một sự tình cờ, một sự ngẫu nhiên, nhưng tôi vẫn yên trí là linh hồn nhà tôi đã nhập vào con bướm này để phù hộ cho tôi tránh được tai nạn đêm hôm ấy. Nhưng tránh được tai nạn mà làm gì, tôi thoát được thân tôi mà làm gì, giàu sang phú quý bây giờ đối với tôi cũng như không, tôi cũng chỉ như con bướm này, xác đấy mà hồn tận đâu đâu.

Bạn tôi kể xong chuyện, đậy cái hộp khảm lại rồi thẫn thờ nói:

– Bây giờ chỉ còn lại cái xác bướm không hồn.

Chiếc Quan Tài Con

Tại chùa Tô Châu bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.

Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi, nhà sư trả lời :

“Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì … Mỗi khi có việc không được như ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay”.

Bạn thân mến,

Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp trên người khác là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại, được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua đượ mọi chán chường, bận tâm thái quá … Trong tất cả mọi sự, người khôn ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích.

Nước Giấm Táo

Vermont là một bang ở phía đông bắc nước Mỹ, thủ phủ là Montpellier, một xứ sở có thời tiết thay đổi từng ngày rất khắc nghiệt. Để chống chọi và thích nghi với thiên nhiên khắc nghiệt đó, người Vermont đã nghiên cứu cách sống của một số loài thú vật và áp dụng một số nguyên lý sống đó vào đời sống, nhờ vậy họ giữ được sức khỏe tốt và kéo dài được tuổi thọ. Nhiều người Vermont dễ dàng vượt qua ngưỡng “thất thập” mà thân thể họ vẫn khỏe mạnh, trí óc minh mẫn. Họ thường nói vui rằng : “Không có lời tư vấn y tế nào quý giá hơn sự chỉ dẫn của … ngựa, bò, dê, chó, mèo, gà, ngỗng, vịt, ong …”

Thật vậy, theo bản năng, thú vật áp dụng những quy luật của thiên nhiên để tự chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cho mình. Con thú bị rắn cắn liền tìm đến một loài cây, nhai ngay lá của nó, vì lá cây này có tác dụng chống nọc độc của rắn. Con thú bị ốm thường tìm đến nơi có bóng mát, thoáng khí, cạnh một nguồn nước. Nó nằm đấy, không ăn, chỉ uống nước cho đến khi khỏi ốm. Làm như vậy sẽ tạo cho cơ thể một trạng thái sinh hóa mới giúp cho nó chóng khỏi bệnh. Còn con người khi bị ốm lại thường quan niệm là phải ăn để có sức chống lại bệnh tật. Chúng ta quên là cơ thể con người có lượng calo dự trữ nhất định cho những lúc thiếu thốn. Thực tế cho thấy con người có thể hoàn toàn nhịn ăn trong lúc đau ốm, chỉ cần uống nước, tốt nhất là uống nước có chứa chất axit như nước nho (chứa axit tartric), nước táo (chứa axit malic)

Thú vật có những quán tính tự nhiên thúc đẩy chúng thay đổi chế độ ăn để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Loài chim biết canxi cần cho vỏ trứng, làm cho vỏ trứng cứng cáp. Vì thế khi chúng sắp “gần nhau”, chim cái đi tìm nơi có nhiều ốc, hến để ăn.

Người dân Vermont quan niệm việc giữ gìn sức khỏe cũng như việc chăm nom ngôi nhà họ đang ở. Sự so sánh đó là rất đúng. Muốn nhà lâu hỏng phải giữ gìn nó một cách hợp lý, phải chọn lựa vật liệu bảo dưỡng, không phải vật gì cũng dùng bừa. Cơ thể con người cũng vậy, muốn có sức khỏe, ít bệnh tật thì đồ ăn thức uống cũng phải lựa chọn. Qua việc quan sát đời sống thú vật, người dân Vermont nhận thấy thịt, trứng của chúng chứa nhiều protein, cơ thể con người chủ yếu lại cần các chất khoáng chứa trong quả trái cây, rau xanh … Cơ thể con người cũng như động vật rất cần kali. Con ngựa hay gặm thanh gỗ ngăn chuồng vì trong gỗ có chứa kali. Bỏ một cành cây vào máng ăn của nó, ngựa sẽ thôi không gặm thanh gỗ nữa. Con bò mẹ được ăn rong câu sẽ thôi không liếm dây xích nữa.

Theo y học dân gian Vermont, kali là thành phần then chốt trong các chất khoáng. Đất thiếu khoáng thì cây mọc trên đó cũng thiếu khoáng, người dân sống ở đó cũng thiếu khoáng, không thể giữ được thăng bằng trong cơ thể, tất yếu sẽ dẫn đến rối loạn về sinh hóa, sinh lý làm cho bệnh tật phát sinh.

Nhu cầu cơ thể của người trẻ tuổi cần nhiều kali để hình thành các mô. Nhu cầu này tiếp diễn trong suốt cuộc đời con người. Người ta dễ nhận thấy trẻ em ở nông thôn cứng cáp, khỏe mạnh hơn trẻ em ở thành thị. Vì theo bản năng chúng biết đi tìm những thức ăn cần thiết cho cơ thể. Các em thường hay gặm một bắp ngô, nhai một củ khoai tây, cà rốt hoặc các loại đậu sống. Ngoài ra các em thường ăn các loại rau quả như nho, táo rau xanh và các loại nấm. Các em thích uống các loại nước chua như nước giấm táo, trung bình mỗi ngày một em uống không dưới 50 gam nước giấm táo.

Nước giấm táo hòa với mật ong được coi là một loại thuốc dân gian đơn giản mà hiệu quả của người Vermont. Giấm táo chứa muối khoáng của trái cây, còn mật ong chứa muối khoáng của nhị hoa. Cách làm như sau : rửa sạch 1kg táo (loại táo quả to mà ta thường gọi là táo tây), thái nhỏ, bỏ hột, cho vào lọ miệng rộng, đổ nước đun sôi để nguội vào lọ cho ngập hơn táo 3cm. Cho 5 thìa súp đường vào lọ, lắc đều, đập nắp lọ cho kín, để 1 tháng nước trong lọ sẽ thành giấm. Chắt nước giấm táo ra, bã để nguyên, lại làm lần thứ hai như trên. Sau khi lấy nước giấm táo lần thứ hai mới bỏ bã đi (khi làm để nguyên cả vỏ táo). Hàng ngày uống nước giấm táo 1-2 lần trước bữa ăn nửa giờ. Mỗi lần hòa 2 thìa súp nước giấm táo với 2 thìa nhỏ mật ong trong cốc, thêm một ít nước đun sôi để nguội, khuấy đều rồi uống.

Giấm táo vừa có tác dụng cung cấp chất khoáng cho cơ thể, vừa có tác dụng diệt khuẩn, chống nhiễm độc thức ăn. Người ta đã làm thí nghiệm sau đây : bắt một con sâu ở vườn, đặt nó lên một miếng gỗ, nhỏ vài giọt nước giấm táo lên mình con sâu, con sâu quằn quại một lúc rồi chết. Những vi khuẩn trong bộ máy tiêu hóa của con người cũng bị nước giấm táo tiêu diệt như vậy. Một chuyện khác như sau : một đoàn 20 khách du lịch được ăn một bữa tôm hùm rất ngon. Chẳng may tôm hôm đó không tươi và chế biến không đảm bảo vệ sinh. Sau bữa ăn, 19 người bị ngộ độc, nôn mửa và đi tiêu chảy. Duy nhất có một người không làm sao vì trước khi ăn đã uống nước giấm táo.

Giấm táo – mật ong còn có tác dụng an thần, chữa bệnh mất ngủ rất tốt. Trước khi đi ngủ, bạn uống một cốc nước có pha 2 thìa nhỏ nước giấm táo, 2 thìa nhỏ mật ong, bạn sẽ dễ ngủ và ngủ ngon giấc.

Ngày nay mặc dù nền văn minh nhân loại đã phát triển cao, song những nhu cầu của cơ thể con người vẫn không thay đổi, thậm chí nhu cầu về chất khoáng còn tăng lên để cơ thể có thêm khả năng đối phó với những căng thảng của cuộc sống hiện đại. Vì vậy thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày một số loại rau xanh và nước giấm táo là rất cần thiết và bổ ích.

(Theo cuốn “Y học dân gian Vermont” của bác sĩ D.C.Jarvis)

Bánh cuốn Thanh Trì

Hai mùa xuân qua, kể từ ngày chúng tôi cùng ông Nguyễn Bạch ăn bánh cuốn Thanh Trì trong một nhà hàng Việt Nam ở San Francisco bang California bên Tây Thái Bình Dương, mà tôi không sao quên được cảm giác nhớ nhà, nhớ nước khi nhâm nha lá bánh cuốn nguội lạnh, không hơi nóng, hương thơm. Lại thêm cái chuyện nước Mỹ hôm nay không còn bình yên như những ngày tôi được tới thăm, làm tôi càng tha thiết nhớ những người bạn Việt Nam thân yêu của tôi đang sống nơi chân trời góc bể với nhiều trắc ẩn, lo âu rình rập bất ngờ … Trong phút giây thiêng của giao thừa Nhâm Ngọ này, tôi muốn gửi tới bạn bè Việt Nam bên Mỹ một góc phố nhỏ Hà Nội bình an với hương thơm, vị ấm mát lành của bánh cuốn Thanh Trì, một thứ quà dân dã của Hà Nội, mà người Việt Nam dù đi cùng trời cuối đất vẫn chẳng thể quên.

Bánh cuốn Thanh Trì, thứ quà Hà Nội mà ông Nguyễn Bạch rất mê. Một năm vài lần, ông cùng vợ bay từ San Francisco tới nhà vợ chồng người bạn thân là anh Kiệt, chị Vân ở Los Angeles, cùng nhau làm bánh cuốn Thanh Trì. Đôi cặp vợ chồng tri âm từ Sài Gòn xô dạt tới bờ Tây Thái Bình Dương, vừa ăn bánh cuốn Thanh Trì, vừa nhớ về Hà Nội thân thương. Ông Bạch quê ở thành cổ Sơn Tây, thuở nhỏ học hành sinh sống tại Hà Nội. Đã xa Hà Nội gần một kiếp người, nhưng ông không lúc nào nguôi nỗi nhớ Hà Nội với hương thơm gạo tám của bánh cuốn Thanh Trì chấm với nước mắm cà cuống, thơm da, thơm diết cái vị cay cay, mằn mặn, cất tinh từ cánh đồng lúa nước, ngọn nguồn của sự sống Việt Nam. Ông hỏi tôi : “Con cà cuống có còn không ?”. Tôi lắc đầu. Tôi chỉ trông thấy nó một vài lần từ khi còn bé xíu. Bây giờ tôi vẫn không hiểu nó chắt lọc được cái gì từ mảnh ruộng lúa nước ngập bùn mà thành hương thơm và vị cay cà cuống lạ lùng đến thế ? Dù chỉ một lần được thưởng thức hương vị cà cuống, bạn sẽ suốt đời không quên, nhưng tả nó như thế nào thật khó.

Với ông Bạch, thời gian biến tan, không gian xóa nhòa, chỉ có hương vị của các món ăn Việt Nam mới thôi thúc ông nhớ về nguồn cội. Ông muốn thốt lên : “Cà cuống ơi! Hương thơm gạo tám ơi! Hương cay vị đắng của đồng quê ơi! Có mãnh lực gì giày vò lòng ta đau đớn đến tận cùng như vậy ?”.

Trước năm 1945, ông Bạch rời Hà Nội vào Sài Gòn, rồi cơn binh biến đẩy đưa, ông cùng vợ và hai con trai sang Mỹ, có ngôi nhà nhỏ bên vùng Vịnh San Francisco, núi non, biển trời thơ mộng, cỏ cây hoa lá tươi màu, mà lòng ông luôn khắc khoải … Với vốn tiếng Việt và tiếng Anh sành điệu, ông mở công ty phiên dịch vừa là ông chủ vừa là nhân viên. Ông thường được mời đi dịch cho người Việt tại các phiên tòa.

Hôm chúng tôi tới thăm nhà ông, ngắm giá sách của ông, thấy có một chiếc xích lô bé xíu bán trên phố Hàng Khay – Hà Nội, được ông mang về nâng niu hôm sớm. Những ngày làm việc cùng chúng tôi, tối nào ông Bạch cũng lái xe đi vòng các phố tìm ăn cơm Việt Nam. Ông bảo : “Nếu ngày nào không có cơm Việt Nam, tôi quên tiếng Anh”. Sống nơi đất khách quê người đã mấy chục năm rồi mà ông không quen được với thức ăn của người ta, thật là cực khổ. Cũng may mà cộng đồng Việt Nam sang Mỹ đều giống ông, không thể nào quên được những món ăn Việt Nam, nên họ đã trồng tất cả mọi thứ rau, hoa quả, chuyên chở, buôn bán thức ăn Việt Nam, làm thành một xã hội, một nền văn hóa ẩm thực Việt Nam : phở Hà Nội, cơm Việt Nam, bánh cuốn Thanh Trì … hiện diện kiêu hãnh trên đất Mỹ.

Trong siêu thị bán đồ ăn Việt Nam, có đủ các thứ tương cà, mắm muối, ớt, mồng tơi, rau muống, gừng, hành tỏi, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, hạt tiêu … đủ “trăm thứ bà rằn” như các quầy hàng khô ở Hà Nội. Cũng đủ vị đắng hương thơm, đủ mùi chua ngọt, tinh tế và chi tiết đến bất ngờ … Trong một quận người Việt sinh sống tại Los Angeles có quán xôi chè Việt Nam nổi tiếng của ba chàng kỹ sư, rủ nhau về nấu chè bán cho người Việt. Cửa hàng đông tấp nập, các chị, các bà xếp hàng mua : chè sen, chè đậu, chè lam, chè cốm, chè nhài, chè thập cẩm … Lúc nào trên gương mặt họ cũng sáng lên nụ cười khi nhìn thấy chè, được ăn chè, xếp hàng mua chè. Riêng có bánh cuốn Thanh Trì là một thứ đặc sản hiếm thấy. Qua mấy mươi bang ở nước Mỹ đến San Francisco, chúng tôi mới thấy hiệu “Bánh cuốn Thanh Trì” treo biển to tướng, sang trọng, do cặp vợ chồng trẻ ở Hà Nội sang mở hàng. Hầu như chỉ có người Việt Nam thích đến ăn bánh cuốn Thanh Trì. Họ vừa ăn vừa trò chuyện, gắn bó, thăm hỏi nhau và thẳm sâu trong lòng không khỏi nao nao nhớ quê nhà, nhớ Hà Nội bốn mùa xanh tươi. Nhưng ăn bánh cuốn Thanh Trì tại San Francisco bạn làm sao có được cảm giác thanh bình, tĩnh lặng như khi ta ngồi dưới gốc cây bàng già ở một góc phố nhỏ Hà Nội dịu dàng đến ngưng đọng mà nghỉ ngơi, thư thái, nhâm nha một thoảng thơm bốc nóng từ đĩa bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang bày trên các mẹt nan tre mỏng manh. Người Việt dù bận mải làm ăn đến quay cuồng chóng mặt, dù tham vọng chức lớn, quan to, tiền nhiều, nhà rộng … thì vẫn cứ cần một phút giây ngưng nghỉ dân dã ấy. Chẳng thế mà bánh cuốn Thanh Trì – Hà Nội vẫn hấp dẫn người Việt đời nọ nối đời kia.

Một sớm, nắng vàng tràn về bên hàng sấu già trên phố cổ Hà thành, tôi thả bộ thong dong đi qua Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Trần Nhân Tông, Tuệ Tĩnh, đến tìm cụ già bánh bánh cuốn Thanh Trì gần thế kỷ nay trên góc phố Tô Hiến Thành, mong gửi chút hương thầm, vị mát thảo thơm của bánh cuốn Thanh Trì cho người xa xứ dịp xuân sang.

Đó là một con phố ngắn nằm giữa phố Huế và Bà Triệu, đến đầu phố hỏi hàng bánh cuốn là cả phố đều biết. Cụ Lý Thị Hồng, trên bảy mươi tuổi, tóc vẫn đen, tai vẫn thính, gương mặt đỏ hồng bên nồi bánh tráng bánh cuốn bốc hơi nghi ngút, vừa nhai trầu bỏm bẻm, cụ vừa trò chuyện với khách, tay thoăn thoắt gỡ từng lá bánh cuốn mỏng trắng trong :

– Mời ông xơi bánh cuốn đi. Hôm nay ông không mua bánh cuốn về cho bà à ?

Nhà hàng của cụ chỉ là một gian nhà hẹp, nép giữa hai cửa hàng buôn bán sang trọng. Khách ăn là nam thanh, nữ tú, ông già, bà lão, gia đình, vợ chồng con cái, người yêu, bè bạn … hơn sáu mươi năm nay vẫn tụ về đây quanh nồi bánh cuốn của cụ Hồng. Họ ngồi trên ghế đẩu, xúm xít, túm năm tụm ba vào cái mẹt tròn mỏng, người ta thích ngồi ngoài vỉa hè, dưới bóng cây bàng, cây si già, vừa ăn vừa thì thầm đủ chuyện. Tôi kéo ghế đẩu, xin một cái mẹt kê ghế ngồi cạnh cụ Hồng. Cụ cuốn bánh vào đĩa cho tôi, từng chiếc mỏng manh, mềm mại thơm mùi gạo, mùi hành khô phi mỡ. Đưa thêm cho tôi bát nước mắm pha chế đậm đà, ngon ngọt, cụ dặn : “Ớt đấy, nếu thích thì cô tự cho vào”. Tôi vừa nếm những miếng bánh cuốn mỏng mềm mại vừa hỏi chuyện làm bánh cuốn, cụ Hồng nói :

– Nhà tôi ở xóm đình Thanh Trì, sáu đời làm bánh cuốn mang lên phố bán. Năm mười ba tuổi tôi đã tráng được bánh và đi bán cùng mẹ tại khu vườn hoa Pasteur. Mười bốn tuổi thì chuyển sang bán tại 66 – Tô Hiến Thành cho đến bây giờ. Kiếm sống bằng cái nghề này vất vả, thức khuya, dậy sớm, lời lãi chẳng có là bao, nhưng nó là nghề cha ông truyền lại, mình làm quen, sinh sống được mà cũng vui. Một tháng có ba mươi ngày thì cả ba mốt ngày tôi đi bán bánh cuốn, ngày nắng cũng như ngày mưa, thời Pháp cũng như thời ta, thời bom đạn cũng như thời bình, chẳng ai chê bánh cuốn của tôi. Bánh của mình ngon, thơm lại rẻ tiền, chỉ dăm vài nghìn lẻ là ấm cái bụng, bạn bè có đãi nhau cũng không tốn kém khó khăn gì. Người già, phụ nữ, trẻ em, người ốm yếu, khi xót ruột đói lòng, có đĩa bánh cuốn ăn mát ruột lắm. Gạo ngon thì bánh ngon. Tôi chọn gạo tám thơm ngâm hai tiếng, xay bột mượt, hòa nước vừa phải, bánh tráng mới ngon, bột đặc thì bánh khô, bột loãng thì bánh ướt hoặc không tráng nổi. Tráng bánh phải luôn tay luôn chân, không lúc nào nghỉ, nhanh chậm một tý là bánh nát. Ngày xưa khách thích ăn bánh cuốn thịt, bây giờ không ai thích ăn thịt nữa, có người thích ăn chả kèm, có bà, có cô thích ăn bánh tráng chay, nó mát, nhiều chất gạo, dẻo mềm dễ chịu. Ngày xưa có gạo tám đen, hạt nhỏ thơm nưng nức, xay bột làm bánh cuốn dẻo dai, chấm với nước mắm cà cuống thì không gì thơm ngon bằng. Bánh cuốn Thanh Trì, đặc biệt ở mùi hành khô phi mỡ. Khoảng năm giờ chiều, cô về Thanh Trì, đến điếm canh đê đã thấy mùi hành phi thơm nức cả làng.

Tôi nhâm nha lá bánh cuốn dai giòn, thơm mùi hành khô phi mỡ, mùi gạo của đồng, mùi mắm mặn của biển, như cảm nhận được sự sống bình an của người dân lao động hiền lành mà cụ Hồng đã truyền qua từng lá bánh cuốn mỏng manh. Bây giờ tôi mới hiểu, bánh cuốn Thanh Trì được tinh cất từ hạt gạo trắng trong, thơm mát, ngọt lành như dòng sữa mẹ Việt Nam đời này qua đời khác nuôi ta khôn lớn thành người. Vì thế nên dù có phải rời xa, dù có ăn cao lương, mỹ vị bơ sữa nước ngoài thì dân Việt cũng không bao giờ quên gạo nên đau đáu nhớ bánh cuốn Thanh Trì.