1.
Một người quen tuổi trung niên nói với tôi rằng: Quốc văn giáo khoa thư là cuốn sách vỡ lòng hay nhất thế giới bởi lẽ nó không dạy làm trẻ con mà chuẩn bị cho trẻ con trở thành người lớn vài chục năm sau. Nó dạy nhân cách, ông ấy nhớ rất nhiều câu chuyện của Quốc văn giáo khoa thư, một trong những câu chuyện ấy là Con quỷ và người tiều phu … Nếu không muốn bị con quỷ ăn thịt người tiều phu phải chọn một trong ba điều: đốt nhà – đánh mẹ – uống rượu! Không thể đánh mẹ, đốt nhà, người tiều phu chọn rượu – thứ mà anh cho là vô hại nhất. Nhưng chỉ sau vài ngày uống rượu, trong cơn say anh ta đánh mẹ và đốt nhà.
Đấy là cái hại của rượu chè – ai cũng hiểu nhưng tại sao lại có ở sách vỡ lòng khi những đứa trẻ chưa là người lớn để uống rượu?
Đứa trẻ nào rồi không trở thành người lớn?
2.
Khi đã trở thành người lớn, người ta sẽ quên rất nhiều thứ của sách vỡ lòng. Uống rượu! Chứ sao? Tiếp khách, đám cưới, tiệc tùng, giao tế, bạn bè, lễ tết hay chẳng cần tất cả những lý do ấy. Uống rượu mới là đàn ông, nhậu nhẹt là chuyện bình thường …
Chuyện bình thường cứ thế bình thường, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng khác … Cho đến một đêm kia, người đàn ông ở đầu câu chuyện này nhận ra mình ngồi giữa ngổn ngang đồ đạc vỡ tan, cơn say còn ngầy ngật trong đầu và tiếng con nức nở, vợ nghẹn ngào. Rượu chè đã đến lúc của nó, ông đánh những người ông từng yêu thương nhất chẳng vì điều sai trái gì. Chỉ vì say rượu – con quỷ dữ đã chờ đợi điều này từ ly rượu đầu tiên ông đưa lên môi. Nó đã kiên nhẫn và đã thành công.
Quốc văn giáo khoa thư là cuốn sách hay nhất thế giới. Khi ôm lấy vai người đàn ông đầy niềm hối hận, day dứt kia lúc tỉnh lại, tôi cũng nghĩ như thế.
You must log in to post a comment.